Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 01/8 toàn tỉnh có 65 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 10/13 huyện, thị xã, thành phố, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2016, không có trường hợp tử vong, trong đó thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 34 trường hợp.
Tại hội thảo, các đại biểu về tham dự đã nêu các ý kiến về những thuận lợi và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong thời gian tới như: tại vùng có dịch, hàng ngày phát các bài phát thanh về phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận thôn, xóm; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến tuyên truyền tại từng hộ dân; đẩy mạnh công tác giám sát, kết hợp vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Tại vùng chưa có dịch hàng tuần phát các bài phát thanh trên hệ thống thông tin; đến từng hộ dân tuyên truyền vệ sinh môi trường, giám sát dịch bệnh. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thầy thuốc nhân dân, BS Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Với thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn thấp. Vì thế, đề nghị các Trung tâm Y tế dự phòng huyện khẩn cấp tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết; triển khai công tác tập huấn phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường công tác giám sát tại địa phương; triển khai tổng chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết trên toàn huyện; đẩy mạnh công tác truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp đến tận nhà dân, hướng dẫn người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Thanh Loan
sáng ngày, trung tâm, y tế, tổ chức, hội thảo, triển khai, khẩn cấp, công tác, lãnh đạo, kiểm soát, cán bộ, thành phố, thầy thuốc, nhân dân, giám đốc, chỉ đạo
Ý kiến bạn đọc